Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tấm gương trọn đời hy sinh cho dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, đức hy sinh và tinh thần cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là biểu tượng cao cả của đạo đức, nhân cách và lý tưởng
1. Đặt vấn đề
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng vĩ đại của tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng và lòng hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời Người là hành trình cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, từ khi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 đến khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 1969. Dù giữ cương vị lãnh tụ tối cao, Hồ Chí Minh luôn sống giản dị, thanh bạch, lấy lợi ích của dân, của nước làm lẽ sống. Tấm gương đạo đức, phong cách sống và sự hy sinh của Người đã để lại di sản vô giá cho dân tộc, là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ. Bài viết này nhằm làm rõ những biểu hiện cụ thể và sâu sắc về tấm gương trọn đời hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua tư liệu lịch sử và phân tích khoa học.

2. Nội dung
Ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết định lên con tàu Amiral Latouche-Tréville, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Hành động này không chỉ là bước ngoặt của cá nhân Nguyễn Ái Quốc mà còn là biểu tượng của một lý tưởng hy sinh to lớn – rời xa gia đình, quê hương, cuộc sống bình yên để tìm con đường giải phóng cho dân tộc.
Trong suốt hơn 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài (1911–1941), Người đã làm nhiều nghề lao động chân tay cực nhọc, sống cuộc đời cơ cực, lặng thầm ở nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Liên Xô..., để học tập và truyền bá tư tưởng cách mạng; những năm tháng ấy là minh chứng cho sự dấn thân, hy sinh lớn lao mà không phải ai cũng có thể làm được. Người đã tự sự: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”.
Sau khi trở về nước vào đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại Pác Bó, Cao Bằng, Người sống giữa núi rừng hiểm trở, thiếu thốn, song vẫn kiên trì tổ chức, huấn luyện và phát động quần chúng khởi nghĩa; chính Người là người sáng lập và lãnh đạo Việt Minh – mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân, phát xít.
Sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả to lớn từ công lao và sự hy sinh của Người. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã từ chối mọi đặc quyền và yêu cầu giảm lương của mình, thể hiện tinh thần phụng sự vì dân.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù tuổi cao, bệnh nặng vẫn không ngừng theo dõi chiến sự, chỉ đạo kháng chiến. Hàng ngàn bức thư, bài viết, lời căn dặn của Người trong thời kỳ này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và đạo lý. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đã trở thành khẩu hiệu bất diệt của cả dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng mà còn là người thể hiện nhất quán lý tưởng sống của mình qua từng hành động nhỏ. Cuộc sống của Người đơn sơ, thanh đạm: ăn cơm với cà, canh rau, sống trong ngôi nhà sàn nhỏ đơn giản, đi dép cao su và làm việc trong điều kiện tối giản nhất.
Là Chủ tịch nước, Người không nhận biệt đãi, không ở trong dinh thự Phủ Chủ tịch; trong mọi dịp tiếp khách quốc tế, Người vẫn giữ nếp sống bình dị và khiêm nhường. Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người chỉ có một tâm nguyện và ham muốn: “...ham muốn đến tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; cho đến khi phải từ biệt thế giới này, Người chỉ tiếc: “...tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Chính điều đó tạo nên một hình ảnh lãnh tụ gần dân, sống vì dân, là biểu tượng cho đạo đức cộng sản chân chính.
Trong Di chúc viết vào năm 1965 và được bổ sung đến năm 1969 trước lúc Người qua đời; Chủ tịch Hồ Chí Minh không đề cập đến lợi ích cá nhân hay gia đình, mà chủ yếu căn dặn về việc chăm lo cho Đảng, cho nhân dân và cho thế hệ trẻ. Người ra đi không có gì phải hối hận vì đã sống hết mình, đã phục vụ hết mình cho dân, cho nước. Người chỉ có điều tiếc nuối, “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Những giá trị tư tưởng và đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử mà còn là động lực phát triển đất nước hôm nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng.
Phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng trên toàn quốc, tạo chuyển biến tích cực trong tư duy và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, trong thế hệ trẻ, hình ảnh Bác Hồ là tấm gương sáng về ý chí vượt khó, tinh thần tự học, lòng yêu nước và tinh thần cống hiến.
3. Kết luận
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương trọn đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Từ khi rời bến cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước đến khi nằm lại trong ngôi nhà sàn đơn sơ giữa Thủ đô Hà Nội, cuộc đời Người là bản anh hùng ca về lòng yêu nước, đức hy sinh và tinh thần phụng sự quên mình. Những hy sinh của Bác không chỉ hiện hữu trong hành trình lịch sử dân tộc mà còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Học tập và làm theo Bác không phải là lời kêu gọi lý thuyết mà là mệnh lệnh từ trái tim – để sống có lý tưởng, có trách nhiệm, và biết cống hiến vì lợi ích chung.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường hiện nay, noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và phát triển bền vững. Đó cũng là cách thiết thực nhất để tri ân Người – vị lãnh tụ suốt đời hy sinh vì dân, vì nước.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Bá Dương (2019): Chủ tịch Hồ Chí Minh – cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.4,12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Vũ Kỳ (2005): Bác Hồ – những năm tháng không thể nào quên, Nxb Trẻ, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.