Sự chuẩn bị công phu của Đảng Cộng sản Việt Nam cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam
Cách mạng Tháng 8/1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và gần 5 năm phát xít Nhật thống trị, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước. Thắng lợi nhanh chóng và ít đổ máu của cuộc cách mạng là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu, toàn diện và khoa học của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), chính là nhân tố quyết định đem đến thành công của cách mạng Tháng 8/1945.
1. Mở đầu
Cách mạng Tháng 8/1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và gần 5 năm phát xít Nhật thống trị, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước. Thắng lợi nhanh chóng và ít đổ máu của cuộc cách mạng là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu, toàn diện và khoa học của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), chính là nhân tố quyết định đem đến thành công của cách mạng Tháng 8/1945.
Tiến tới kỷ niệm 80 năm, ngày cách mạng Tháng 8/1945 thành công, bài viết này tập trung phân tích những khía cạnh chủ yếu trong sự chuẩn bị của Đảng, từ đó làm rõ vai trò quyết định của công tác chuẩn bị đối với thành công của cách mạng.
2. Bối cảnh lịch sử
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân lầm than dưới ách thống trị của thực dân, phát xít. Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương) đã tích cực chuẩn bị chính trị, tư tưởng, mục tiêu, chủ trương, phương thức lãnh đạo, lực lượng, căn cứ địa, hình thức khởi nghĩa và thời cơ khởi nghĩa cho sự thành công của Cách mạng Tháng 8/1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam trải qua các cao trào đấu tranh 1930 -1931, 1936 - 1939 và 1939 - 1945, qua đó Đảng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, đồng thời không ngừng hoàn thiện công tác chuẩn bị mọi mặt cho sự thành công của cách mạng.
Đầu 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào giai đoạn kết thúc, phe phát xít đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Ở Đông Dương, mâu thuẫn Nhật - Pháp trở nên gay gắt. Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính gạt bỏ Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngày 9/5/1945 Phát xít Đức đầu hàng quân Đồng Minh. Ngày 8/8/1945 Liên Xô tấn công và tiêu diệt gần 1 triệu quân Quan Đông của Nhật sau một tuần. Ngày 15/8/1945 Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh. Trong nước, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và lực lượng của Nhật hoang mang, không còn tinh thần chiến đấu.
Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhận định chính xác thời cơ "ngàn năm có một" và khẩn trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt là yếu tố then chốt để Đảng có thể chớp lấy thời cơ, lãnh đạo toàn dân đứng lên giành chính quyền thành công.
3. Sự chuẩn bị công phu của Đảng
3.1. Chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và mục tiêu
Đảng đã kiên trì vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối cứu nước đúng đắn, lấy độc lập dân tộc làm mục tiêu hàng đầu, đồng thời gắn liền với giải phóng giai cấp. Các văn kiện của Đảng đã vạch rõ con đường đấu tranh, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng trong quần chúng. Bên cạnh đó, Đảng và Mặt trận Việt Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng (báo chí, truyền đơn, ca dao, hò vè, kịch nói...) để giác ngộ quần chúng về mục tiêu, ý nghĩa của cuộc cách mạng, vạch trần tội ác của thực dân, phát xít, từ đó xây dựng niềm tin và quyết tâm đấu tranh.
Ngay từ Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Đảng đã chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh), xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, dân tộc, cùng nhau đấu tranh giành độc lập. Mặt trận Việt Minh với các đoàn thể cứu quốc đã trở thành lực lượng chính trị hùng hậu, rộng khắp, là nền tảng vững chắc cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Mục tiêu mà Đảng chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam là kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp và tiến lên CNXH.
3.2. Chuẩn bị về lực lượng vũ trang và căn cứ địa
Từ các đội du kích nhỏ lẻ, Đảng đã từng bước xây dựng và phát triển các đội quân tập trung. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) ra đời. Cùng với đó là sự phát triển của các đội Cứu quốc quân, các đội tự vệ, du kích ở khắp các địa phương. Các lực lượng này, tuy còn non trẻ về số lượng và trang bị, nhưng lại có tinh thần chiến đấu cao, được tôi luyện qua thực tiễn đấu tranh và từng bước trưởng thành.
Khu giải phóng Việt Bắc được xây dựng và củng cố, trở thành trung tâm của phong trào cách mạng cả nước. Đây là nơi huấn luyện cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang, tích trữ lương thực, vũ khí, là bàn đạp quan trọng cho cuộc tổng khởi nghĩa.
3.3. Chuẩn bị về tổ chức và cán bộ
Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng (9/3/1945) đã ra "Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", xác định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước và chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ra "Quân lệnh số 1", hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Từ 14 đến 15/8/1945 Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào nhận định, cơ hội giành độc lập đã tới và phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Đề ra 3 nguyên tắc: Tập trung, thống nhất và kịp thời.
Về công tác cán bộ, Đảng đã chú trọng xây dựng các chi bộ, đảng bộ vững mạnh ở khắp các địa phương, các ngành, các giới. Công tác phát triển đảng viên được đẩy mạnh, đặc biệt là trong công nhân, nông dân và trí thức yêu nước. Đảng đã mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ các cấp, từ cán bộ cấp cao đến cán bộ cơ sở. Đội ngũ cán bộ này là những hạt nhân quan trọng, trực tiếp lãnh đạo và tổ chức quần chúng đấu tranh.
3.4. Chuẩn bị chớp thời cơ chiến lược và hình thức khởi nghĩa
Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt và nhạy bén của Đảng. Khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh (ngày 15/8/1945), tạo ra một khoảng trống quyền lực lớn, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời ra lệnh Tổng khởi nghĩa, không để bất kỳ thế lực nào kịp thời chen chân vào. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" . Thời cơ "ngàn năm có một" đã được chớp lấy một cách kịp thời, quyết đoán, đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi trọn vẹn.
Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, Đảng chủ trương hình thức khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa, nhằm phát huy thế chủ động của từng địa phương và đưa cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thành công.
4. Kết quả và ý nghĩa
Nhờ sự chuẩn bị công phu, toàn diện và đúng đắn của Đảng, Cách mạng Tháng 8/1945 đã diễn ra và giành thắng lợi trong vòng chưa đầy 15 ngày (từ 14 đến 28/8/1945) trên phạm vi cả nước. Chính quyền cách mạng được thành lập, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945 là minh chứng hùng hồn cho vai trò lãnh đạo của Đảng, cho thấy sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt là yếu tố quyết định thành công của một cuộc cách mạng. Bài học về sự chuẩn bị lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa, đào tạo cán bộ và đặc biệt là nghệ thuật chớp thời cơ đã trở thành những kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam sau này.
Sự chuẩn bị công phu của Đảng cho Cách mạng Tháng 8/1945 không chỉ mang ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn để lại những bài học sâu sắc, có giá trị vận dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hiện nay. Bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và những thách thức mới, việc tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố then chốt để tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước. Bài học về vai trò lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945 khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, sáng suốt của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng tiếp tục giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đồng thời không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Bài học về chủ động nắm bắt và tận dụng thời cơ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, việc nhận diện, nắm bắt và tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển, đồng thời hóa giải các nguy cơ, thách thức là vô cùng quan trọng. Bài học chớp thời cơ của Cách mạng Tháng 8/1945 vẫn còn nguyên giá trị, đòi hỏi sự nhạy bén, quyết đoán trong hoạch định và thực thi chính sách. Bài học về phát huy nội lực và tinh thần tự lực, tự cường, dù có sự hỗ trợ của yếu tố khách quan, nhưng thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945 chủ yếu dựa vào sức mạnh nội sinh của dân tộc. Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, việc phát huy tối đa nội lực, tinh thần tự lực, tự cường, khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Bài học về công tác chuẩn bị toàn diện, thành công của Cách mạng Tháng 8/1945 cho thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị chu đáo về mọi mặt (chính trị, tư tưởng, tổ chức, lực lượng...). Trong công cuộc xây dựng đất nước, điều này được thể hiện qua việc xây dựng nền tảng kinh tế vững mạnh, phát triển văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, và đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
5. Kết luận
Sự chuẩn bị công phu, khoa học và toàn diện của Đảng Cộng sản Đông Dương là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng 8/1945. Từ việc chuẩn bị chính trị, tư tưởng, kiên định mục tiêu, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn thiện đường lối cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa, đến việc đào tạo cán bộ và đặc biệt là nghệ thuật chớp thời cơ chiến lược, tất cả đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đưa dân tộc Việt Nam đến độc lập, tự do. Thắng lợi này, không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước mà còn để lại nhiều bài học lịch sử sâu sắc về vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác chuẩn bị cách mạng, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Võ Nguyên Giáp (2011), Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
2. Trần Văn Giàu (1996), Đảng Cộng sản - Đảng của trí tuệ Việt Nam, Giáo sư nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu, Nxb Giáo dục - TP. Hồ Chí Minh.
3. Trần Văn Giàu (1996), Hồ Chí Minh ứng dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo, Giáo sư nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu, Nxb Giáo dục - TP. Hồ Chí Minh.
4. Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Lý luận cơ bản về Đảng Cộng sản, Nxb Chính trị - Hành chính - Hà Nội.
5. Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị - Hành chính - Hà Nội.
6. Đinh Xuân Lâm - Chủ biên (1998), Đại cương Lịch sử Việt Nam tập III, Nxb Giáo dục - Hà Nội.
7. Vũ Dương Ninh - Nguyễn Văn Hồng (1997), Đại cương Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục.
8. Nguyễn Viết Thông - Chủ biên (2009), Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia - Hà Nội.
TS.Đinh Đức Duy Trường - Chính trị tỉnh Bình Dương